KỶ NIỆM NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM 26-12

25/12/2024 7

Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình

Ngọn nguồn ý nghĩa ngày Dân số Việt Nam 26-12 và kết quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình của huyện Nghĩa Hành trong 30 năm qua.

63 năm trước đây, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã thông qua một Quyết định khá đặc biệt, đó là Quyết định số 216, ngày 26/12/1961, về việc hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

Tính độc đáo của Quyết định này ở chỗ, trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới đều chưa hề quan tâm đến vấn đề dân số, đến yếu tố dân số trong phát triển, thì Việt Nam lại đặt vấn đề điều chỉnh việc sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cho tương lai trước mắt và lâu dài.

Một đặc điểm nổi bật thứ hai của Quyết định 216-CP và tính nhân văn và tính nhân bản của văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đó là trong Điều 1 của Quyết định trên đã khẳng định: “ Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.

Tính nhân văn thể hiện rất rõ ở chỗ mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh tới không chỉ là những yếu tố về số lượng, mà là những yếu tố về chất lượng như sức khoẻ người mẹ, việc nuôi dạy con cái... Đáng lưu ý, văn bản trên còn nhấn mạnh tới quan hệ qua lại giữa việc sinh con đẻ cái với hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, với hàm ý rằng số con trong mỗi gia đình phải phù hợp với điều kiện sức khoẻ, điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc và nuôi dạy thì gia đình mới hoà thuận, mới hạnh phúc.

Quyết định 216-CP cũng nêu lên cách làm phù hợp, ''Bước đầu cần tổ chức thực hiện việc hướng dẫn sinh đẻ trong cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và dần dần mở rộng trong nhân dân”. Quan điểm chọn những đối tượng dễ chấp nhận trước để làm thí điểm từ đó rút những bài học kinh nghiệm cần thiết để nhân rộng và từng bước chuyển sang các nhóm đối tượng khác, những đối tượng khó hơn chính là một quan điểm đúng đắn, được thực tiễn chương trình ở nước ta và nhiều nước khác khẳng định.

Quyết định đầu tiên của Nhà nước ta về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng khẳng định một nguyên tắc mà sau này các văn bản quốc tế cũng nhấn mạnh đó là việc cung cấp dịch vụ phải thuận lợi và phải phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của người sử dụng, và tạo điều kiện để những người muốn sử dụng dịch vụ để thực hiện những ý định của họ về sức khoẻ sinh sản một cách tự giác và tự nguyện.

Từ văn bản đầu tiên, Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961, đến các văn bản mang tính toàn diện hơn như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII ngày 14/12/1993, Chiến lược Dân số dân số Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2000 tại Quyết định 147/TTg, Nghị quyết 47- NQ/TW ngày 22/3/2005 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, Pháp lệnh Dân số và Nghị định 104/NĐ-TW ... Để từng bước đưa công tác DS-KHHGĐ vào nề nếp, tạo điều kiện cho việc thông tin, giáo dục truyền thông rõ ràng, cụ thể và để có cách hiểu thống nhất về quy mô gia đình ít con, thực hiện có hiệu quả việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác DS-KHHGĐ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số, và ngày 05/1/2009 Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh về việc công bố Pháp lệnh. Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2009.

Hoà chung với phong trào cả tỉnh, cả nước, 30 năm qua kể từ năm 1994, huyện Nghĩa Hành đã triển khai công tác DS-KHHGĐ đạt được những kết quả rất tốt, giảm và duy trì mức sinh hợp lý, bước đầu nâng cao chất lượng dân số, góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tỷ suất sinh thô tại huyện đã giảm đáng kể:  từ 30,6%o năm 1993 giảm xuống còn 17,3%o năm 2000 và đến năm 2024 còn 12,3%o; bình quân mỗi năm giảm khoảng 0,6%o; mức giảm bình quân của cả nước là 0,4-0,5%o.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 34,3%o năm 1993 đã giảm xuống còn 22,7%o năm 2000, 12,6%o năm 2005 và  8,5% năm 2024. Đây là một kết quả đáng khích lệ đối với chương trình, góp phần cùng với huyện nhà trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, trong tình hình mới công tác dân số ở Nghĩa Hành cũng còn những khó khăn thách thức:  Mức sinh hàng năm không được ổn định và duy trì ở mức 2,1 con/phụ nữ mà có xu hướng giảm thấp hơn mức sinh thay thế ở những năm gần đây. Tổng tỷ suất sinh bình quân trong 05 năm (2020-2024) là 1,9 con/phụ nữ, hiện năm 2024 số con bình quân của 01 phụ nữ là 1,7 con/01 phụ nữ); tình trạng mang thai ngoài ý muốn rất nhiều (mỗi năm bình quân gần 400 phụ nữ có thai ngoài ý muốn, trong đó khoảng 50% can thiệp y tế để xử lý); Tỷ lệ DS trên 65 tuổi chiếm 14,4% tổng DS, tỷ lệ DS trên 60 tuổi chiếm trên 21,7% tổng DS, điều này khẳng định dân số huyện ta đang ở giai đoạn dân số già, đây là một thách thức lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng và vấn đề phát triển kinh tế -xã hội nói chung.

Để dân số ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, hệ thống Dân số phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, chính quyền địa phương nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Dân số – KHHGĐ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2025.

- Đẩy mạnh hoạt động các mô hình đã và đang triển khai nhằm can thiệp một cách hiệu quả nhất vấn đề về cơ cấu, chất lượng dân số; kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại một số vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Tập trung vào những nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết vấn đề già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người cao tuổi. Xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng, các cơ sở hạ tầng khu vui chơi thân thiện với người cao tuổi;

- Tổ chức đồng bộ hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2024 với chủ đề: “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” xác định việc nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình mà còn là nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. 

        Theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và nâng cao chất lượng dân số, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có bào dân tộc thiểu số; Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, qua đó nâng cao nhận thức và vận động người dân tự nguyện tham gia; Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh và đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng vị thành niên, thanh niên tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh; Tuyên truyền về những thuận lợi, khó khăn, thách thức và phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân số trong thời gian tới.

    Với vai trò trách nhiệm của ngành, toàn thể cán bộ làm công tác dân số quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cùng chung tay thực hiện để xây dựng tương lai đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc./.

Văn Minh (TP Dân số)

TIN LIÊN QUAN
Đường dây nóng Bộ y tế

Dinh dưỡng là gì? Thế nào là dinh dưỡng cân bằng?

Đang truy cập: 47

Tổng số lượt xem: 203143

Bản quyền © thuộc về: Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành

Người chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc TTYT Nghĩa Hành

Địa chỉ: TDP Phú Vinh Tây, Thị trấn Chợ Chùa, Huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255.2215983 - Fax: ... - Email: bvdk.nh@gmail.com