Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm liên quan vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế... Đó là nhận định tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Đề nghị đấu thầu tập trung thuốc, vật tư với số lượng nhỏ, hiếm
Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này trình xin ý kiến các vị ĐBQH chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách
Trong đó, về mua thuốc, vật tư y tế, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm liên quan vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với một số BV lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế và cơ quan soạn thảo.
Tham gia thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) góp ý, Khoản 1 Điều 53 quy định đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, ĐB Trí đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện đối với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm. Theo ĐB, quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các BV. Qua đó, góp phần giảm quá tải cho BV, bởi các BV tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng vì không có thuốc nên phải lên tuyến trên điều trị; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường.
Cũng theo ĐB Nguyễn Anh Trí, đấu thầu mua sắm thuốc hiếm nên được thực hiện ở một đơn vị thuộc Bộ Y tế để cung cấp cho tất cả các BV trên cả nước. “Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, dễ sai sót. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi”- ĐB Trí nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Anh Trí
ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất, quy trình mua sắm thuốc và vật tư y tế nên theo 2 giai đoạn. Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Sau đó, các cơ sở KCB có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp với cơ số vừa đủ, phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.
Cũng về nội dung này, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã cầu thị tiếp thu ý kiến của các cơ sở KCB và từ Bộ Y tế để chỉnh lý dự thảo luật. ĐB đặc biệt đánh giá cao việc dự thảo luật đã bổ sung quy định đấu thầu hóa chất đi kèm với sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các BV. Việc bổ sung quy định này giúp tháo gỡ những vướng mắc khi các cơ sở KCB không đủ nguồn lực để có thể đấu thầu hóa chất cùng máy xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo ĐB Dương Khắc Mai, hình thức đấu thầu này có nhược điểm rất khó kiểm soát giá dịch vụ khi xét nghiệm. Vì vậy, quy định của dự thảo luật theo hướng cho phép thực hiện hình thức đấu thầu này trong thời hạn 5 năm- kể từ khi luật có hiệu lực thi hành, để các cơ sở KCB có thời gian xử lý các tồn tại hiện nay. Sau thời hạn này, các cơ sở KCB phải chuyển sang các hình thức đấu thầu khác theo quy định để đảm bảo tính minh bạch.
Nghiên cứu đàm phán giá đối với thiết bị, vật tư y tế
Góp ý kiến, ĐB Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng, những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế tại dự thảo luật đã có những cơ chế, chính sách, quy định tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, các cơ KCB. Để hoàn thiện thêm, ĐB Khảm đề nghị bổ sung áp dụng chỉ định thầu với trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng cơ sở KCB không có sẵn danh mục thuốc và vật tư y tế tại cơ sở.
ĐB Lê Văn Khảm
Bên cạnh đó, ĐB Lê Văn Khảm bày tỏ quan tâm đến nội dung đàm phán giá. Tại Điều 28 của dự thảo luật đang quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế, bởi thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường chỉ có 1-2 hãng sản xuất bán tại Việt Nam. Tương tự, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng hạn chế nhà cung cấp... Bên cạnh đó, vật tư y tế trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền thường là sản phẩm có tính phát minh.
“Chúng ta cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ BHYT. Bởi, chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ KCB và chi phí KCB. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đàm phán giá không chỉ áp dụng với thuốc, mà áp dụng với cả thiết bị và vật tư y tế”- ĐB Khảm nêu quan điểm.
Dinh dưỡng là gì? Thế nào là dinh dưỡng cân bằng?
Đang truy cập: 43
Tổng số lượt xem: 203139